CHỈ ĐẠO CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CHỈ ĐẠO CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN

Huyện Thanh Trì: Huy động trên 550 người tham gia xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê sông Nhuệ trên địa bàn xã Đại Áng
Publish date 26/07/2024 | 22:55  | Lượt xem: 7554

Đến trưa ngày 26/7, huyện Thanh Trì đã hoàn thành việc xử lý khẩn cấp sự cố đê sông sạt lở trên địa bàn xã Đại Áng, nguyên nhân do ảnh hưởng của cơn bão số 2 gây mưa lớn kéo dài.

Thượng tá Hoàng Mạnh Hùng - UVBTV Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện và Trưởng Phòng Kinh tế huyện Nguyễn Thị Tuyết Anh chỉ đạo khắc phục sự cố

Theo đó, vào hồi 14h50 phút ngày 25/7 đã xảy ra sạt lở và thấm rò rỉ Đê trên địa bàn xã Đại Áng đoạn tiếp giáp với xã Tả Thanh Oai tại cống Sáu Cửa từ K27+750 đến K27+780 bờ tả sông Nhuệ, gần trạm bơm tiêu Hòa Bình. Chiều dài cung sạt 30m, chiều sâu sạt lở khoảng 1,8m đến 2m, chiều rộng cung sạt lở khoảng 2m đến 2,5m. Ngoài ra, một số vị trí bị tràn bờ trên địa bàn các xã: Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, xã Đại Áng.

Trên 550 người được huy động nhanh chóng khắc phục sạt lở đê

Ngay sau khi phát hiện sự cố, trước tình trạng khẩn cấp, UBND - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Trì, xã Đại Áng đã khẩn trương có mặt khảo sát khu vực sạt đê. Dưới sự hướng dẫn của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố về xử lý sự cố, đồng chí Nguyễn Tiến Cường – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã phát lệnh huy động lực lượng, triển khai phương án hữu hiệu xử lý khẩn cấp, triệt để sự cố ngay từ giờ đầu, phút đầu khi điểm sạt lở còn nhỏ để đảm bảo an toàn cho đê, tài sản tính mạng của nhân dân.

Các lực lượng, phương tiện thi công gia cố đê với tinh thần trách nhiệm cao nhất

Từ chiều 25/7 đến trưa 26/7, các phương tiện máy móc, nhân lực trên 550 người gồm lực lượng thường trực Ban CHQS huyện, Dân quân tự vệ UBND Huyện, lực lượng dân quân tự vệ các xã, thị trấn; Xí nghiệp thủy lợi Thanh Trì, Đội xung kích phòng chống thiên tai, các đoàn thể, nhân dân xã Đại Áng và vật tư (hàng trăm khối đất cát, hàng nghìn bao tải, cọc, phên nứa…) đã được tập kết ngay lập tức, dồn sức cả ngày lẫn đêm để nhanh chóng gia cố đê. Đồng thời tổ chức cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở và cảnh báo cho nhân dân trong khu vực hạn chế qua lại.

 Vật tư để xử lý sự cố gồm (cát, đất, bao tải, cọc, phên nứa…)

Thượng tá Hoàng Mạnh Hùng - UVBTV Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện tham gia hộ đê cùng lực lượng vũ trang huyện và các địa phương

Trực tiếp kiểm tra, đôn đốc lực lượng tham gia hộ đê, Thượng tá Hoàng Mạnh Hùng – UVBTV Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện trao đổi: Chúng tôi đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện báo cáo tình hình với lãnh đạo huyện, từ đó chỉ đạo huy động các lực lượng gồm cán bộ Ban CHQS huyện, Trung đội Dân quân cơ động của 6 xã là Tả Thanh Oai, Hữu Hòa, Vĩnh Quỳnh, Tam Hiệp, Thanh Liệt, Đại Áng và Tiểu đội Dân quân Thường trực thị trấn Văn Điển cùng với lực lượng xung kích của địa phương tiến hành gia cố các phần bị sạt lở. Lực lượng này đã được tổ chức tập huấn, huấn luyện thường xuyên nên khi có tình huống xảy ra chúng tôi đã huy động đầy đủ. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban chỉ đạo của huyện, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế huyện và các phòng ban ngành có liên quan tiếp tục quán triệt, chỉ đạo để nâng cao nhận thức và trách nhiệm cũng như tinh thần sẵn sàng của các lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên… để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Các lực lượng tham gia xử lý sự cố sạt lở đê

Đồng chí Nguyễn Xuân Thọ - Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết: Ngay sau khi phát hiện việc tràn và nguy cơ sạt lở, với phương châm “4 tại chỗ”, xã đã huy động các lực lượng của địa phương hơn 100 người, phương tiện ô tô, máy xúc, máy gạt, vật tư cát, đất, trên 2 nghìn bao tải… phối hợp, hỗ trợ của các phòng ban chức năng huyện và sự kiểm tra của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo làm triệt để xử lý chống sạt lở. Đây là một trong những tuyến đê xung yếu, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu đầu tư kiên cố hóa để đảm bảo không xảy ra tình trạng sạt lở.

Huyện Thanh Trì thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống thiên tai

Sau một thời gian tích cực, nỗ lực cao, huyện Thanh Trì đã khắc phục được sự cố sạt lở đê tại xã Đại Áng, qua đó cho thấy sự chủ động của cả hệ thống chính trị của Huyện và các địa phương trong công tác Phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn, coi trọng việc chuẩn bị “4 tại chỗ”, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra thực tế triển khai thực hiện.

Các chiến sĩ quân đội cùng người dân hộ đê

Thời gian tới, UBND - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Trì chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của huyện, các đơn vị quân đội, Công an trên địa bàn huyện kịp thời xây dựng, triển khai các phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; phương án phòng hộ bảo vệ các điểm xung yếu, cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân…

“Lực lượng tại chỗ” cũng được huyện Thanh Trì quan tâm bảo đảm tốt. 

Thanh Trì chủ động thực hiện tốt các nội dung về vật tư, phương tiện, trang thiết bị nhanh chóng xử lý sự cố

Tổ chức tập huấn, huấn luyện các lực lượng làm nhiệm vụ PCTT-TKCN, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực, đáp ứng yêu cầu cho các phương án, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, huy động tối đa mọi nguồn lực tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời, có hiệu quả các sự cố công trình, đê điều; Hiệp đồng chặt chẽ lực lượng, chỉ huy kiên quyết linh hoạt, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện, trang bị, tài sản của Nhà nước, Quân đội và nhân dân./.

Phương Xuyến - Trung tâm VHTT&TT Thanh Trì