HOẠT ĐỘNG CÁC XÃ, THỊ TRẤN HOẠT ĐỘNG CÁC XÃ, THỊ TRẤN

Huyện Thanh Trì: Giữ gìn làng nghề truyền thống làm nón lá thôn Vĩnh Thịnh trong định hướng, quy hoạch phát triển “làng du lịch sinh thái - khoa bảng”
Ngày đăng 08/04/2022 | 19:25  | Lượt xem: 5555

Ngày 8/4, đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đã tới dự Lễ công bố Quyết định thành lập chi bộ HTX nón lá và trao Bằng công nhận Làng nghề truyền thống nón lá Vĩnh Thịnh – xã Đại Áng.

​   

   Quang cảnh buổi lễ

Làng nghề nón lá truyền thống tại thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng đã có lịch sử hàng trăm năm. Năm 2020, các hộ sản xuất trong làng đã thống nhất thành lập Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất và thương mại dịch vụ Nón lá Vĩnh Thịnh, theo Đề án bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề của Thành phố Hà Nội.

Thôn Vĩnh Thịnh hiện có 984 hộ, trong đó có 594 hộ với 1.198 người tham gia nghề làm nón, chiếm 65% tổng số hộ dân trong làng. Mọi công đoạn để cho ra thành phẩm chiếc nón lá đều được làm thủ công, với kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề. Trung bình một ngày, một người có thể làm được từ 2 - 4 chiếc nón mỏng, 1 - 1,5 chiếc nón dày.

Những sản phẩm nón của người dân thôn Vĩnh Thịnh làm ra được nhiều khách hàng đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng. Trong đó đặc biệt là các dòng sản phẩm nón nghệ thuật được thêu hoa, hay những chiếc nón nghệ thuật trang trí, bộ nón 5 chiếc với đường kính từ 10 - 40cm được khách du lịch rất ưa chuộng. Thu nhập trung bình đạt 5,44 triệu/người/tháng.

     Nghề làm nón lá thôn Vĩnh Thịnh ​vinh dự được UBND thành phố Hà Nội công nhận Làng nghề truyền thống.

Bằng sự nỗ lực không ngừng của mỗi nghệ nhân, người dân và sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, nghề làm nón lá thôn Vĩnh Thịnh luôn giữ được những nét đặc trưng, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của đất Kinh kỳ xưa. Năm 2020, vinh dự được UBND thành phố Hà Nội công nhận Làng nghề truyền thống.

​Ông Nguyễn Bá Đài - Trưởng thôn Vĩnh Thịnh cho biết: Nghề đan nón nơi đây được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Việc làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh được công nhận là làng nghề truyền thống của thủ đô Hà Nội sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu đến với khách hàng; hướng đến xây dựng điểm du lịch cho nhiều du khách đến tham quan; giải quyết việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo động lực cho các hộ sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo tồn và phát triển làng nghề trong thời gian tới.

​    Thành lập Chi bộ Hợp tác xã nón lá Vĩnh Thịnh

Đảng bộ xã Đại Áng đã thông qua Nghị quyết số 36 về việc thành lập Chi bộ Hợp tác xã nón lá Vĩnh Thịnh (chi bộ 12) gồm 3 đảng viên chính thức; Chỉ định đồng chí Nguyễn Thị Thúy - Phó giám đốc Hợp tác xã Tiểu thủ Công nghiệp sản xuất và Thương mại Dịch vụ Nón lá Vĩnh Thịnh giữ chức danh Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022.

   Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng Trần Quốc Oai phát biểu tại buổi lễ

Sau khi được thành lập, Chi bộ Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh có trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động và Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ trong lĩnh vực Tiểu thủ công nghiệp, thương mại, đảm bảo hoạt động hiệu quả, nâng cao đời sống và tinh thần cho xã viên. Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng tổ chức Đảng, gắn với giúp đỡ, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để giới thiệu kết nạp Đảng, góp phần xây dựng Chi bộ ngày càng đông về số lượng, mạnh về chất lượng.

Việc thành lập Chi bộ trong Hợp tác xã nón lá Vĩnh Thịnh sẽ góp phần tăng cường sức mạnh cho Đảng bộ xã Đại Áng trong công tác lãnh, chỉ đạo trên các nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và các thành viên trong Hợp tác xã rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

    Đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Thu Huyền - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đã chúc mừng Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh đã thành lập được chi bộ Đảng. Đồng chí đề nghị Chi bộ nhanh chóng xây dựng quy chế làm việc và thực hiện đúng các quy định của các cấp ủy đảng; làm tốt công tác tạo nguồn, phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, tạo điều kiện tu dưỡng, rèn luyện kết nạp Đảng… Các đảng viên trong Chi bộ cần phát huy tính tiền phong gương mẫu trong sinh hoạt và hoạt động của đơn vị, nâng cao đời sống người dân, góp phần vào việc phát triển bền vững của địa phương. Với việc thành lập Chi bộ, xã Đại Áng cần triển khai các giải pháp cụ thể hơn để đưa việc giữ gìn làng nghề như một phần trong định hướng, quy hoạch phát triển “Làng du lịch sinh thái - khoa bảng” trong những năm tới. Để nón lá Đại Áng được giới thiệu và quảng bá để trở thành một “sản phẩm du lịch”, tiến tới có thể vươn ra nước ngoài như một số mặt hàng truyền thống ở các địa phương khác.

Thanh Hồng - Trung tâm VH-TT&TT